Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2016

Cẩn thận với ‘y học lề đường’

Hết món này, đến món khác, các lề đường Sài Gòn luôn có bán các loại cây, lá, thảo dược trị… bá bệnh. Và loại lá đang được tìm mua và tăng giá chóng mặt trong vòng ba tháng trở lại đây là Lá mật gấu.
Với những lời rỉ tai, cộng với cả trăm ngàn thông tin trên mạng internet về công dụng lá mật gấu có thể chữa được bệnh tiểu đường, gút, giúp hạ men gan, giảm đau xương khớp, giảm mỡ máu… từ mức 30.000 đồng/kg, đến nay lá mật gấu đã có giá 250.000 – 280.000 đồng/kg lá tươi.

Tin vào y học lề đường
Theo hướng dẫn về cách sử dụng lá mật gấu trên mạng, cũng như người bán lá thì: chỉ cần tám lá mỗi ngày, nấu với 2 lít nước, đun sôi và hãm trong khoảng 15 phút, sau đó để nguội uống thay nước lọc mỗi ngày, sẽ giúp giảm bệnh và thấy hiệu quả sau hai tuần. Uống liên tục trong 2 – 3 tháng sẽ thuyên giảm hẳn bệnh, thậm chí không cần uống thuốc theo toa bác sĩ nữa…
Sự lên ngôi của lá mật gấu đã thay thế cho “cây nở ngày đất” từng được bày bán rộ trên các tuyến đường Sài Gòn một năm trước đó.
Trào lưu uống cây nở ngày đất chỉ được lắng xuống, khi trên một vài tờ báo đăng các thông tin từ chuyên gia trong ngành y dược, cho biết trong cây nở ngày đất có chứa một số chất gây độc cho cơ thể.
Mỗi loại lá cây, khi rộ lên trên thị trường đều được lý giải công dụng bằng những thông tin có vẻ khoa học, hoặc có thực tế chứng minh và nhờ có mạng internet, Facebook chúng được lan truyền nhanh tới chóng mặt.
Như lá mãng cầu xiêm được lý giải có thành phần Acetonitrile genin có tác dụng chống lại tế bào ung thư mà còn có khả năng chống lại virút.
Hoạt động của Acetonitrile genin là ức chế tế bào ung thư, nghiên cứu được chứng minh tại phòng thí nghiệm khoa học Mỹ, Nhật…
Ví dụ việc chữa bệnh tiểu đường bằng trái đậu bắp, có hàng ngàn ý kiến của ông A, bà B, cô C… nào đó kể lại bản thân họ, hoặc người nhà của họ từng bị bệnh tiểu đường, phải uống thuốc theo toa bác sĩ và ăn uống kiêng khem cực khổ thế nào, tình cờ thấy người khác uống nước có ngâm trái đậu bắp, nhận thấy đậu bắp là thứ rau củ thường dùng để xào hay nấu canh, ăn được nên thử.


Một thời gian sau khi xét nghiệm máu thấy chỉ số đường trong máu trở lại mức bình thường đến độ bác sĩ cũng ngạc nhiên, rồi dần dà bỏ luôn không dùng thuốc nữa.
Đã có hàng chục loại cây lá đã được đẩy lên như một thứ thần dược: trâm lược vàng, lá sen, đinh lăng, lá mãng cầu xiêm, lá thuốc dòi, cây nở ngày đất… và gần đây nhất chính là lá mật gấu.
Với những lời đồn thổi về tính năng bài thuốc của cây lá, có tác dụng chữa bệnh mà gần như chẳng gây hại gì cho người dùng, ai uống cũng được, lại dễ mua tại các chợ hay xe đẩy trên đường phố, hay một góc lề đường nào đó; kết hợp thêm cách dùng đơn giản chỉ nấu lên rồi uống như nấu lá chè xanh đã khiến người dân tin tưởng và sử dụng.
Nhờ vậy, lá cây thuốc có thể tăng chóng mặt. Ví dụ cây nở ngày đất, khi mới được bày bán chỉ có 20.000 – 25.000 đồng/kg, chỉ sau hai tháng rộ lên việc nhà nhà tìm mua uống, thì có khi giá lên tới 200.000 đồng/kg.
Lá mật gấu hiện nay giá cũng đã tăng gấp mười lần so với tám tháng trước. Do cây mật gấu này dễ trồng, nhiều bà nội trợ ở khu vực Bàu Cát (quận Tân Bình) sau khi lặt lá, đã giâm cây vào bãi cỏ, chậu cảnh trước cửa nhà để trồng tiếp, thì cây vừa lên lá đã bị trộm nhổ sạch trong đêm.
Tin vào cây cỏ
Trào lưu uống nước lá cây cũng góp phần làm cho quầy bán rau lá ở chợ thêm phong phú. Những mẹt hàng chuyên bán lá nấu nước mát trước đây chỉ có lá dứa, mía lau, rễ tranh, mã đề, râu bắp… nay có thêm lá thuốc dòi, lá sen, lá đinh lăng, lá mãng cầu xiêm…
Theo lời người bán, họ phải đặt mua sỉ từ một số vườn rau ở khu vực Bình Dương, Hóc Môn, Nhà Bè và miền Tây mới đủ cung ứng cho khách mua mỗi ngày.
Trên thị trường, đã có những shop chuyên bán các loại lá tươi, lá khô hoặc lá đã được sơ chế. Trên các trang web này, từng loại lá được giới thiệu tỉ mỉ hình dáng, có ảnh chụp rõ ràng, kèm với tính năng, công dụng và trải nghiệm của người dùng.
Nếu có thắc mắc, có thể trò chuyện (chat) online hoặc hỏi thêm thông tin qua điện thoại. Người mua có thể yêu cầu giao lá cây tận nhà, hoặc nhờ nơi bán nấu và đóng chai cho tiện. Người ở trong nước có thể mua lá tươi, còn nếu mang đi nước ngoài thì cơ sở cung cấp lá sấy khô để dành dùng dần.
Vài loại lá loại cây có tác dụng nhất định trong việc giúp người chữa bệnh, thì trong các sách đông dược đã nêu rõ. Nhưng dùng cây lá để chữa bệnh và không quan tâm đến sức khoẻ cá nhân từng người, thì chính người dùng đang biến bản thân thành công cụ thí nghiệm vô ích.
Các chuyên gia trong ngành, các tài liệu khoa học khi nêu mặt lợi, cũng nêu tác dụng phụ của chúng. Chẳng hạn vị đắng trong Lá mật gấu có khả năng làm ảnh hưởng đến người có bệnh đau bao tử.
Có những loại cây cỏ mà chưa hề có tài liệu nào xác nhận, người dùng tràn lan là gây hại cho chính mình. Như cây nở ngày đất có chứa nhiều oxalate, người dùng nhiều sẽ có dấu hiệu ngộ độc thường là run cơ, choáng váng, trầm cảm…
Điều đáng quan tâm, các loại lá cây này bán tràn lan, người dân vô tư mua, nhưng chẳng thấy cơ quan quản lý nào có thông tin hoặc cảnh báo cho cộng đồng.

Bích Thuỷ



Thế Giới Tiếp Thị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét